Cụ B.95, bây giờ kêu là cụ chứ vào thập niên 1950 thì cụ mới 30, đang thời nhan sắc.
Tôi mới đi California thăm bạn bè. Chuyến đi thật tuyệt vời, được gặp bao nhiêu bạn cũ, được nói bao nhiêu chuyện xưa. Suốt ngày rong chơi. Các nhà hàng VN hình như mỗi ngày mỗi nhiều hơn, các món ăn mỗi ngày mỗi phong phú hơn. Bên Canada có thứ gì thì bên Cali cũng có những thứ đó mà còn nhiều hơn và rẻ hơn nữa. Litlle Saigon ở Nam Cali quả là kinh đô tỵ nạn của chúng ta.
Nhưng có một thứ bên Nam Cali có mà bên Canada này không có, các cụ biết là thứ gì không ? Thưa, đó là cây phượng hoa màu tím. Xưa nay thì hoa phượng bao giờ cũng màu đỏ, riêng Nam Cali cây phượng trổ bông màu tím. Tôi sang Cali vào đầu mùa xuân, hoa phượng tím tràn lan, nhất là các trường học.
Một số bạn già đưa tôi đi là cà đủ nơi, thấy tôi mê Cali, từ thời tiết khí hậu, tới các nhà hàng, tới các cửa tiệm, tới cây phượng tím thì rủ tôi di cư sang Cali. Tôi lắc đầu ngay. Tôi cám ơn lòng qúy hóa của bằng hữu nhưng tôi không thể bỏ miến đất quê hương thứ hai thân yêu này được. Lý do ư? Nhiều lắm. Một lý do rất cá nhân và chủ quan là ở Canada tôi có làng An Lạc, nơi tôi đang được sống trong hạnh phúc
Ngày tôi rời Cali về lại miền đất thiên đàng này là ngày giữa mùa xuân. Trời đất cỏ cây như chào đón tôi. Đồi dốc sau nhà là rừng phong, lá phong đã xanh mượt mà, màu xanh mạ non rất mát mắt. Vườn hoa lily trước cửa đã mọc lên lớp lá đầu tiên báo cho tôi biết rằng chẳng bao lâu nữa chúng sẽ trổ ra những bông hoa hình chuông trắng muốt và sẽ gửi hương thơm nhè nhẹ vào phòng tôi. Mùa xuân đang về thật, tôi yêu mùa xuân này quá.
Trong xấp thư bưu điện đem tới, tôi thích nhất bức thư của cậu con trại cụ B.95 mời dự lễ Hiền Mẫu. À, lâu quá tôi không nói về ông con trai đáng yêu hết sức này. Chuyện này dài lắm, xin cho tôi kể từ từ nha.
Cụ B.95, bây giờ kêu là cụ chứ vào thập niên 1950 thì cụ mới 30, đang thời nhan sắc. Lớp trai trẻ Hà Nội hồi đó ai cũng sôi lòng yêu nước, ai cũng rủ nhau lên Việt Bắc tham gia kháng chiến. Chồng cụ cũng lên Việt Bắc. Đến năm 1954 đình chiến, cụ bà chờ cụ ông về để đi Nam. Cụ chờ hoài mà không thấy ông về. Sợ hụt chuyến tàu chót, cụ đành giao cậu con trai 6 tuổi cho ông em để di cư vào Nam trước. Rồi cụ ông đã không về mà tin dữ báo tử đã về. Cụ ông đã bỏ mình trong một trận công đồn đánh Pháp.Thế là chương trình di cư vào Nam của cụ hỏng cả vì mọi sự đã trễ. Cụ khóc hết nước mắt. Cụ phải nhắm mắt về quê làm ruộng nín thở sống qua ngày. Sau năm 1975, cụ vào Nam tìm em tìm con. Nhưng mọi sự lại trễ một lần nữa. Em cụ và con cụ đã vượt biên tỵ nạn. Sau một thời gian dài hỏi thăm tin tức, cụ đã liên lạc được với em với con. Em đã tìm ra chị, con đã tìm ra mẹ. Việc con bảo lãnh mẹ đã tiến hành, và ngày hạnh phúc đã xảy ra trong năm 1995. Thật là một phép lạ, cụ đã bay thẳng từ Hà Nội sang Canada vào đúng ngày lễ Phục Sinh.
Cụ B.95 kể chuyện mẹ con gặp nhau sau 41 năm xa cách mà nước mắt ròng ròng. Cụ bảo tôi nhập đạo Công Giáo trong lể Phục Sinh vừa qua để ghi nhớ ngày tôi được sống lại, các bạn ạ. Chúa đã làm phép lạ. Tôi nghĩ mình đã chết từ lâu rồi. Năm 1954, tôi mất chồng và nghĩ rằng cũng mất con luôn. Ai ngờ tôi được sống lại để sống một đời mới trên đất Canada thần tiên này. Ngày xưa còn bé có ông thày tướng bảo tôi có hậu vận vàng son. Khi còn ở VN sống khổ cực với CS tôi nghĩ ông thày nói sai hoàn toàn, nay tôi mới thấy ông thày tướng nói đúng mọi sự. Tôi thật có đại phước vì có đứa con chí hiếu, vợ nó là một cô con dâu tuyệt vời, và một đàn cháu nội dễ thương vô vàn.
Trên đây là lời cụ B.95 kể. Còn ông con trai, tên Hiếu, nay đã ngoài 60, cũng kể chuyện trong nước mắt. Anh bảo nếu năm 1954 mà mẹ không can đảm gửi anh đi theo ông cậu vào Nam, mà cứ giữ anh lại miền Bắc thì bây giờ chắc anh là một tên cán bộ tàn ác, tham nhũng và dối trá. Anh cho biết sau 1954, ở Saigon anh được ông cậu nuôi nấng cho ăn học đàng hoàng, vào đại học rồi đi lính, rồi bị VC bỏ tù, rồi vượt biên. Bữa nay anh muốn mời cả làng An Lạc tới dự bữa cơm gia đình ngày lễ Hiền Mẫu, để anh được công khai cám ơn Mẹ và được cám ơn Làng đã giúp cho mẹ anh sống những ngày già thần tiên.
Anh Hiếu, từ ngày mẹ sang, đã đổi nhà hai lần. Một lần vì nhà ở ngoại ô. Một lần vì nhà không có vườn cho mẹ trồng rau. Bây giờ thì mẹ con và một đàn cháu ở một căn nhà rộng, phía trước có miếng đất nhỏ để cụ trồng hoa, phía sau có vườn để cụ trồng rau. Vợ anh là người Công Giáo, có học và sống đạo, đã làm anh cảm mến đạo rồi anh tự động nhập Công Giáo. Anh quả là một hiếu tử, đúng như tên bố mẹ đã đặt cho anh.
Và ngày lễ Hiền Mẫu đã tới, dân làng đều hăm hở đến nhà anh Hiếu, cũng là nhà Cụ B.95. Tôi cứ quen niệng gọi là anh chứ anh Hiếu đã 65, đã ăn tiền già, đáng lẽ phải gọi là ông hay là cụ mới đúng, phải không cơ. Làng An Lạc của tôi đúng là một làng cao niên, ai cũng trên 60 cả rồi, thế mà chúng tôi vẫn quen miệng anh anh em em. Cụ Chánh tiên chỉ bảo ta cứ gọi như thế cho nó thân. Xin vâng.
Bữa ăn được tổ chức ngay giữa phòng khách. Anh Hiếu chủ nhà cùng mẹ vui sướng chào đón mọi người, còn vợ con anh thì tất bật nấu cỗ trong bếp. Vì Cụ B.95 quê Hà Nội chính gốc nên đàn con anh nói tiếng Việt rất giỏi và giọng Bắc Kỳ rặt. Vợ anh gốc Saigon nhưng cũng ‘được’ Bắc Kỳ hóa. Bữa nay là cỗ Bắc Kỳ. Anh Hiếu nói mở đầu chào mừng và lý do có bữa ăn. Anh ôm lấy mẹ nói lời cám tạ công ơn sinh thành và nuôi nấng lúc bé rồi gửi anh di cư vào Nam năm 1954, nếu không có việc đi Nam này thì không có bữa ăn hôm nay. Lời anh trộn với nước mắt. Mắt cụ B.95 cũng ngấn lệ. Cụ Chánh lên tiếng ngay: Bài diễn văn của Anh Hiếu quá hay và đã nói đủ rồi. Bây giờ tôi xin mọi người cùng đứng lên, chúng ta nắm tay nhau đọc kinh ‘Lạy Cha’ để tạ ơn Chúa về bữa ăn đặc biệt này.
Và bữa ăn ‘Bắc Kỳ’ bắt đầu. Đầu bếp bữa nay là cô con dâu. Các cụ có đoán ra thực dơn bữa nay không ? Thưa, món đầu tiên là món miến gà. Cô con dâu thưa ngay: Tiếng là cháu chủ bếp nhưng mẹ cháu là người chỉ đạo. Mỗi người được phục vụ một tô miến. Lâu lắm rồi tôi mới được ăn cái món rất Bắc Kỳ này. Thường thì món miến này ta quen nấu với nước giùng, với miến, với thịt gà, với hành ngò, sang trọng chút nữa thì có thêm miếng lobster. Bữa nay thi chúng tôi được ăn ngon hơn thế nữa. Ngoài miến và thịt gà, chúng tôi còn thấy mấy lát tim gà, mấy quả trứng non, và đặc biệt có miếng tiết gà, cộng với rau răm. Ông ODP ăn xong tô miến rồi nức nở: Tôi như vừa ăn quê hương vào lòng !
Và món thứ hai là món ‘bún chả Hà Nội’. Công phu nhất là miếng thịt lợn nướng cháy cạnh trên than hồng. Phải gọi là thịt lợn vì đó là tiếng Hà Nội, chứ không phải là thịt heo, Cụ B.95 vừa cười vừa bảo cả làng thế. Tôi đi chợ mua được miếng thịt rất tươi, đem về ướp ngay với hành tiêu tỏi húng lìu nước mắm và dầu olive, bỏ tủ lạnh qua đêm, trước đây một tiếng mới bỏ ra, rồi xiên vào que tre, nướng trên than hồng. Mời các cụ gắp thịt bỏ vào bát nước mắm, thêm bún, thêm rau sống, thêm rau thơm, thêm củ cải cà rốt. Mời các cụ xơi. Cụ nào cắn được chút ớt tươi nữa thì thật là tuyệt cú mèo. Và một tớp bia lạnh nữa nha. Cụ có thấy bóng dáng Hà Nội trước 1954 hiện ra trên đầu lưỡi không?
Món ăn ngon quá đã làm mọi người mải mê nhậu mà quên nói chuyện, mãi sau Cụ B.95 mới lên tiếng: Hôm nay là đại lễ Hiền Mẫu, xin cụ Chánh tiên chỉ cho dân làng nói chuyện cười xả láng nha. Anh Hiếu là người lên tiếng đầu tiên ủng hộ ý kiến này của mẹ. Anh bảo mẹ anh thường kể cho anh nghe những chuyện vui trong các buổi họp làng, anh mới chỉ được nghe mẹ kể lại mà đã thấy hay quá sức rồi, vậy bữa nay xin cho cháu được nghe trực tiếp nha, xin mọi người kể thoải mái nha. Rồi anh đưa mắt nhìn anh John. Hình như theo thông lệ, anh John là ngươi khai mào các chuyện cười, xin mời anh.
Anh John không khách sáo này kia mà kể ngay một chuyện của chính anh khi bắt đầu học tiếng Việt lúc anh chưa biết phát âm rõ ràng, chưa phân biệt dấu huyền dấu sắc.
Rằng bữa đó tôi đến họp làng trễ, tôi hỏi mọi người: các bạn đã ăn buồi tôi chưa?”. Tôi thấy mọi người nghe xong thì ai cũng ngơ ngác. Tôi phải lập lại câu hỏi lần nữa ‘các bạn đã ăn buồi tôi chưa?’. Nghe xong, phe các ông thì phá ra cười, phe các bà thì đỏ mặt. Vợ tôi bảo tôi đã nói tục vì đã nói sai dấu ! Thật là tầm bậy cái miệng của tôi. Vợ tôi bảo anh phải nói cho đúng dấu như thế này: Các bạn đã ăn buổi tối chưa?”
Mọi người nghe xong, hiểu ra cái tôi nói sai dấu huyền dấu sắc, mới phá ra cười. Để mọi người cười hả hê xong, anh xin kể tiếp về cái tuyệt diệu của tiếng Việt trong lối ‘nói lái’. Tuần vừa qua tôi nói chuyện với anh Hiếu đây. Anh có vẻ vui sống, vì lúc nào cũng có mẹ có vợ có con ở chung quanh. Anh bảo ‘ Tôi chả lo gì!’, nói rồi anh cười hì hì. Cụ B.95 nghe anh nói xong mà thấy tôi không có phản ứng gì liền bảo tôi: thắng Hiếu nó nói lái đấy anh ạ. ‘Chả lo gì’ tức là ‘chỉ lo già’. Cả làng cười xong dều gật gù khen cái anh con rể Canada này giỏi tiếng Việt thật sự. Và mọi người muốn nghe anh nói nữa. Thấy phe các bà trong làng thích nghe chuyện nên anh được hứng bèn xin nói tiếp về cái hay của tiếng VN, như sau:
. Tiêng VN hễ nói về phái nữ thì thường dùng những từ tốt đẹp thanh nhã,
- như nói về một cô gầy thì không chê gầy mà khen là ‘ thon thả, mảnh mai’
- nói về một cô béo mập thì khen là ‘đầy đặn, có da có thịt’
- nói về một cô cao nghều thì khen là ‘dong dỏng, mình hạc xương mai’
- một cô thấp lùn thì khen là ‘nhỏ nhắn’
Trong khi đó, nói về anh con trai thì khác hẳn, chả khen mà toàn chê,
- con trai gầy thì chê là ‘ gầy giơ xương’
- con trai béo thì chê là ‘ mập như heo nọc’
- con trai cao thì chê là ‘ cao kều như tre miễu’
- con trai lùn thì chê là ‘ lùn tịt’.
Dân làng nghe xong ai cũng gật gù. Anh John này có lý, phải không các cụ?.
Rồi anh John quay vào ông ODP: Đàn em hết chữ rồi, xin nhường diễn đàn cho huynh trưởng. Ông ODP thấy đề tài nói về liền ông liền bà đang hấp dẫn nên xin tiếp sức anh John ngay.
Rằng ông trời sinh ra đàn ông và đàn bà tính nết khác nhau, nên đàn bà thường bênh đàn bà, đàn ông thường bênh đàn ông, do vậy mới sinh ra chuyện này: có một cặp vợ chồng kia rất đông bạn. Một hôm bà vợ giận chồng, bỏ nhà ra đi. Ông chồng thấy trời đã khuya mà vợ vẫn chưa về bèn nhấc điện thoại gọi cho các bà bạn của vợ hỏi xem vợ mình có đến đó xin ngủ nhờ không. Ông gọi tới 10 bà mà bà nào cũng nói y như nhau:
-Không, chị ấy không hề đến đây, nếu có đến thì tôi sẽ bắt chị ấy về với anh ngay.
Đấy là chuyện các bà bạn của vợ. Còn các ông bạn của ông chồng thì lại khác. Ông chồng giận vợ bỏ đi, khuya không thấy chồng về, bà vợ nhấc máy hỏi các người bạn, thì ông nào cũng rối rít trả lời giống như nhau: Có, anh ấy đang ngủ say như chết ở đây. Có ông còn nói thêm: Chị có muốn tôi đánh thức anh ấy dậy để nói chuyện với chị không?
Chính vì vậy, muốn cho gia đình êm ấm, không ai phải đi hoang, các ông chồng thường nhịn vợ, nhịn quá nên bị coi là sợ vợ. Do đó mới sinh ra câu chuyện này. Rằng có cậu con trai kia còn vị thành niên, một hôm cậu này hỏi bố:
-Bố ơi, có phải mai mốt con lớn lên thì con sẽ được tự do đi đây đi đó tùy ý, đi với ai và đến nhà ai cũng được, về nhà giờ nào cũng được, không phải xin phép mẹ nữa, phải không cơ ?
Ông bố bèn thở dài rồi đáp ngay: Nếu cứ theo các điều con nói thì bây giờ bố vẫn còn là vị thành niên, con ạ !
Phe các ông trong làng, vì là các nhà quân tử, nên ai cũng gật gù, còn phe các bà thì im lặng.
Rồi ông ODP kết luận: Mấy chuyện tôi vừa kể thì toàn là chuyện liền ông liền bà ghét nhau. Thực ra không phải thế. Đó là mặt tiêu cực, và rất nhỏ. Chứ mặt kia, mặt tích cực, là cả một trời biển mênh mông, đàn ông đàn bà hút nhau. Đó là âm dương. Đó là tình yêu. Đó là hạnh phúc. Trời sinh ra thế. Nhiều khi âm dương hút nhau mạnh quá, nhiều quá khiến các nhà mô phạm đạo đức phải nhăn mặt.
Hai cô Huế Tôn Nữ và Cao Xuân thấy đề tài này hấp dẫn nên giả bộ ngây thơ, hỏi Ông ODP:
- Nhăn mặt là sao cơ?
- Là ‘ Bánh mì phải có patê, Làm trai phải có máu dê trong người !’
Cô Tôn Nữ yêu đề tài này quá nên giả bộ ngây thơ hỏi tiếp:
- Máu dê là sao cơ?
Anh H.O. tưởng cô này ngây thơ thật, bèn chen vào nói ngay: Là anh con trai thấy cô gái đẹp thì nghĩ ngay tới cái giường ! Rồi từ cái giường mới sinh ra chuyện tiếp theo:
Gió đưa bụi chuối sau hè, Giỡn chơi một chút ai dè có con !
Nghe tới việc ‘ có con’ thì ông ODP lại xin kể một chuyện vui khác. Rằng có một bà mẹ thấy cô con gái của mình hay đi chơi khuya với bạn trai nên bà lo lắm. Bà chỉ sợ con gái có bầu rồi đẻ hoang. Bà mới dặn con gái phải khôn ngoan. Rằng đứa nào tấn công con mà sắp quá mức an toàn thì con phải hãm nó lại. Một trong những cách hãm anh con trai là con hỏi nó ‘ Chúng ta sẽ đặt tên cho đứa con là gì ?’. Quả là câu thần chú. Nhiều anh chàng nghe tới có con là hạ hỏa liền. Thế nhưng cô đã gặp một võ lâm cao thủ. Nghe cô hỏi về tên đứa con, chàng này không hạ hỏa mà còn làm tới đích. Tới xong, chàng dũng sĩ mới trả lời: Anh đã đề phòng, bận áo mưa hẳn hoi. Nếu mà còn có con thì đứa con này sẽ mang tên là ‘David Copperfield’ !
Nghe đến đây thì chỉ có phe liền ông trong làng và Chị Ba Biên Hòa là vỗ tay rồi bò ra cười, còn phe các bà thì ai cũng ngơ ngác. Chị Ba Biên Hòa hiểu chuyện nên chị quay vào phe các bà rồi cắt nghĩa: Cái anh chàng David Copperfield mà bác ODP vừa nhắc tới trong chuyện là cái anh chàng ảo thuật người Mỹ nổi tiếng quốc tế. Anh đã biểu diễn những màn gay cấn vô cùng, như cưa đôi một người, như biến một người đàn ông thành một người đàn bà, như đi xuyên qua một bức tường. Mấy năm trước đây, anh sang tận Trung Hoa biểu diễn một màn nghẹt thở trước con mắt của cả thế giới là anh đã đi xuyên qua bức tường của Vạn Lý Trường Thành. Cái việc đi xuyên qua tường áp dụng vào câu chuyện trên có nghĩa rằng nếu cô gái có bầu tức là con tinh trùng cũa dũng sĩ kia đã đi xuyên qua được bao cao su như chàng Copperfield đi xuyên qua Vạn Lý Trường Thành vậy.
Nghe xong phe các bà mới ồ lên một tiếng rồi cười bò. À, hóa ra muốn thấy cái hay thấm thía của các chuyện cười, ta phải có trình độ văn hóa cao.
Trong khi cả làng còn đang bàn về chuyện cười thấp với cao thì anh John và Cụ chánh từ trong nhà bếp bưng ra một đồng bánh lớn. Cụ Chánh nhìn mọi người rồi nói:
- Theo truyền thống của làng ta thì phe các ông bao giờ cũng làm cơm đãi phe các bà ngày lễ Hiền Mẫu. Năm nay Cụ B.95 và anh Hiếu tranh mất việc này, nên phe liền ông chúng tôi phải tranh đấu mãi mới dành được việc làm món tráng miệng. Bữa nay chúng tôi xin đãi các bà món bánh Tiramisu. Bánh này gốc bên Ý, hương vị thơm ngon đậm đà. Làng ta đã làm bánh này cách đây mấy năm trong ngày Lễ Tạ Ơn, đã đem đến biếu nhà thờ Cha Paolo và được cả nhà thờ khen nức nở. Tên đồng bánh mang nghĩa rất hay. Tira = hãy kéo, mi = tôi, su=lên. Tiramisu là ‘hãy kéo tôi lên’. Cụ B.95 được con bảo lãnh sang Canada, lại mới nhập đạo Công Giáo lễ Phục Sinh vừa qua, chúng tôi thấy cụ đã được Chúa kéo lên thiên đàng. Sống ở Canada, sống giữa đất nước gấm hoa, giữa làng An Lạc hạnh phúc này, đúng là thiên đàng.
Bà Cụ B.95 thấy Cụ Chánh nói đúng lòng của mình quá, đã vỗ tay to nhất và thốt lên 2 tiếng của nhà thờ: Amen, Alleluia ! Hai cô Huế Tôn Nữ và Cao Xuân lần đầu tiên nghe ngôn ngữ lạ, đã hỏi ngay: Cụ nói gì vậy? Cụ trả lời ngay: Đó là 2 tiếng Do Thái cổ ngày xưa thời Chúa Giêsu còn sống tại thế, và được giữ lại trong lễ nhà thờ, hai tiếng này có nghĩa là ‘ Tôi tin như vậy, ta hãy vui mừng lên !
Các cụ đã ăn bánh Tiramisu chưa ? Ngon lắm các cụ ạ. Ăn món này rồi nhâm nhi với ly cà phê nóng thì sướng không chịu được.
Bữa nay Cụ Chánh vui vẻ khác thường. Cụ thấy anh John chưa kể chuyện thời sự, cụ bèn làm thay. Cụ kể về 2 trận động đất lớn ở xứ Nepal khiến gần 10 ngàn người chết, và khắp nơi trên thế giới đều gửi tiền bạc và người đến tiếp cứu. Đồng bào VN ta ở Canada cũng như ở Hoa Kỳ đang hô hào quyên góp và lập sổ vàng cho Nepal.
Anh H.O. giơ tay xin phụ đề 2 chuyện liên quan tới biến cố này: Chuyện thứ nhất là có một nhóm cán bộ VN đang tham dự khóa huấn luyện về động đất ở Nepal thì trận dộng đất thật sự xảy ra. Thay vì ở lại tại chỗ để cứu các nạn nhân thì nhóm VN này đã cao chạy xa bay, trốn về nước ngay. Một mợ về tới VN còn khoe với báo chí tấm ảnh mình chụp trước cảnh đổ nát, trong hình mợ giơ tay chỉ và miệng cười toe. Khắp nơi đã lên tiếng chửi bới việc này. Chuyện thứ hai, báo chí quốc tế cũng cho biết là trước trận động đất thì xứ Nepal có lễ hội giết súc vật, ít nhất họ đã giết hơn 6 ngàn con trâu. Các tấm ảnh cho thấy xác 6 ngàn con trâu bị chém đầu nằm la liệt trên mấy cái sân vận động lớn. Nhiều người cho rằng hồn các con vật bị giết vô tội này đã báo oán, đã làm cho động đất.
Cụ Chánh đáp ngay: Lão tin rằng có sự báo oán. Nói gì đâu xa, CSVN đã giết mấy triệu đồng bào qua bao nhiêu năm máu lửa hận thù nên bọn giặc đỏ này có ngóc đầu lên được đâu. Chúng đưa dân VN xuống vực thẳm. Chỗ nào cũng thấy VN mình xuống dốc. Lão mới đọc một bài về các bằng sáng chế của Liên Hiệp Quốc. Nhật Bản dân số 127 triệu người có 46.130 bằng sáng chế, Singapore dân số 5 triệu người có 647 bằng sáng chế. Mã Lai dân số 28 triệu có 161 bằng sáng chế, Thái Lan dân số 68 triệu có 53 bằng sáng chế, còn Việt Nam dân số 89 triệu có 00 bằng sáng chế. Nhục nhã chưa, đồng bào ơi !
Chuyện làng An Lạc của tôi còn dài lắm, xin hẹn các cụ thư sau.
TRÀ LŨ
Tin Vui: Tác giả Trà Lũ đã viết xong bộ ‘Chuyện Cưởi Trà Lũ Toàn Tập’ gồm 4 cuốn 300, 400, 500, 600, tổng cộng hơn 1800 chuyện cười khác nhau. Đây là món quà trang nhã nhất để tặng chính bạn và thân hữu. Bạn sẽ cười quanh năm. Giá sách và bưu phí là $95. Xin liên lạc trực tiếp với tác giả: