main billboard

Anh ơi, trước khi cưới thì anh cứ đòi xem mà em không cho, nay thì em không tiếc gì anh nữa, anh hãy mở mắt mà xem cho kỹ này.


Trời đã vào hè, hè là mùa cưới hỏi. Ở hải ngoại bây giờ người ta không thể chọn ngày cưới như thuở xưa. Bây giờ đó là hai ngày cuối tuần trong mùa hè vì chỉ thời gian này mới thuận tiện cho mọi người, từ việc rước dâu, chụp ảnh, lễ nhà thờ, yến tiệc nhà hàng... Một ông bạn già bảo tôi: vì lễ cưới không theo giờ thiêng, không theo đúng ngày lành tháng tốt nên đa số các đám cưới ở Bắc Mỹ này về sau đều tan vỡ.

Riêng tại Canada, tháng hè này ngoài chuyện cưới hỏi còn có nhiều chuyện lắm. Thứ nhất là cộng đồng người Việt khắp nơi biểu tình chống CSVN về luật 3 đặc khu và luật an ninh mạng. Ngày song thất 7-7 vừa qua, đồng bào ta từ nhiều nơi đã đổ về thủ đô Ottawa, biểu tình trước quốc hội Canada, trước toà đại sứ TC và VC. Bao nhiêu là cờ vàng, bao hiêu là biểu ngữ tố cáo VC bán nước, bao nhiêu là bài ca ái quốc , từ bài Hội Nghị Diên Hồng, Bạch Đằng Giang tới những bài mới nhất của Trúc Hồ và Việt Khang. Số người tham dự ở thủ đô lên tới hơn 1 ngàn, thuộc nhiều đoàn thể đến từ nhiều nơi. Ngoài việc biểu tình, còn có việc ký thỉnh nguyện thư xin Canada trừng phạt CSVN theo luật Magnitsky. Ông ODP bảo rằng biểu tình thì cứ biểu tình chứ bộ chính trị của CSVN chúng nó đã quyết dịnh rồi, quốc hội của VC cũng sẽ gật đầu thôi vì các dân biểu đều chỉ là con cờ bày ra cho đẹp mắt. Xưa nay đã có bao giờ quốc hội làm trái ý chúng nó đâu.

Nhân nói tới Ottawa, xin khoe với các cụ phương xa là ở thủ đô này từ xưa đã có đài kỷ niệm Viêt Nam với tượng mẹ VN bồng con vượt biên, nay ngã tư có tượng đài này được chính quyền Canada đặt tên là ‘Công Trường Saigon’. Saigon nha, chứ không phải tên Già Hồ nha.

Một tin thời sự nữa, tin rất nhỏ nhưng phải kể ngay vì nó là tin rất Canada. Theo tin của Humane Society International thì tháng vừa qua một nhóm khách du lịch Canada tới thăm Hàn Quốc. Họ có tới thăm một hãng nuôi chó. Thấy 40 con chó bị nhốt cực khổ và chúng sắp bị giết lấy thịt bán cho nhà hàng, các du khách Canada này vô cùng sửng sốt, đã động lòng thương và đã bỏ tiền ra mua hết 40 con chó này, rồi chở chúng về Canada. Họ đã nhờ thú y chăm sóc, và nay các chú chó này đã có nhiều người ở Montreal rước về nhà nuôi, không phải để ăn thịt như bên Đại Hàn mà để chúng trở thành ‘Pet’, con vật yêu thương trong gia đình. Nghe nói bên Đại Hàn đang có phong trào không giết chó ăn thịt nữa.

Riêng làng An Lạc chúng tôi, ngoài việc tham gia các buổi xuống đường chống CSVN bán nước, phe liền ông chúng tôi còn bàn luận rất sôi nổi về bài báo thuật lời của Dương Khiết Trì, cựu ngoại trưởng của Tàu Cộng, nói lời hỗn láo với Việt Nam. Bài này có tựa đề là ‘ Không cần đánh Việt Nam chúng nó’, người ký tên là Nguyễn Vĩnh Long Hồ. Không biết bài này thật hay giả, nhưng lời lẽ sôi động vô cùng.

Ngoài ra, phe các vĩ nhân quân tử chúng tôi đã trải qua một tháng ôm chặt TV để theo rõi các trận túc cầu World Cup ở Nga. Bây giờ không một vĩ nhân quân tử nào trong làng xem túc cầu một mình. Phải nhiều mình mới vui. Mắt xem mà tai phải nghe bình luận nữa mới sướng. Ngày xưa ở Saigon thời thập niên 1960, nằm nhà nghe Huyền Vũ dẫn banh và bình luận trên radio đã thấy sướng qúa sức. Bây giờ không những chỉ nghe mà còn xem nữa, không phải chỉ một người bình luận mà làng tôi còn có rất nhiều Huyền Vũ. Xem đá banh mà phải hiểu luật chơi mới thú, mới thấy cái tài của các cầu thủ trên sân cỏ. Nếu chỉ nghe mấy ngài hướng dẫn bình luận trên đài không thôi thì chưa thấy đã tai, phải nghe các nhà quân tử trong làng ngồi bên phát biểu, vừa bình luận, vừa reo hò, vừa đập bàn, vừa nói tiếng Đan Mạch nữa mới sướng. Cụ Chánh tiên chỉ dặn cả làng là chớ có ai đi cắt tóc khi có các trận đấu, kẻo ông thợ hớt tóc đang cạo mặt cho mình, tay ông ta đang cầm con dao sắc mà ông ấy phản ứng theo đường banh thì ta dễ đứt cổ đứt tai như chơi. Ngoài ra, nghe nói tại VN, chỉ trong mấy tuần xem đá mà đã có nhiều cuộc tự tử vì thua cá độ. Kinh thật. Thì ra không phải chỉ có các cầu thủ mới có tiền thưởng mà người xem cũng có tiền, tiền cá cuộc. Ông ODP, lãnh tụ đá banh trong làng tôi cho biết là không có môn thể thao nào mà thế giới đông người xem và tiêu tiền nhiều như môn túc cầu này. FIFA cho biết kỳ túc cầu 2014 trên thế giới có một tỷ người coi và họ thu 4 tỷ đồng. Năm nay, thế giới hiện có 7.6 tỷ người thì có tới 3.4 tỷ người coi, và FIFA thu sơ sơ 6.1 tỷ đồng. Đội vô địch sẽ được thưởng 38 triệu, đội về bét cũng sơ sơ 8 triệu. Các cầu thủ có bàn chân vàng được mọi người âu yếm nhắc tên như các tài tử màn bạc lừng danh, lúc nào cũng Cristiano Ronaldo của Bồ Đào Nha, Lionel Messi của Argentina, Harry Kane của Anh. Tiếc rằng 3 ngôi sao nổi tiếng này đã không đem được đội banh nước mình vào chung kết. Nhiều người đã đoán trật vì căn cứ vào qúa khứ, Brazil đã 5 lần vô địch, Đức và Ý đã 4 lần vô địch, thế mà lần này bị loại hết. Đau nhất là đội của Đức, vô địch lần trước thì bị loại ngay vòng 1 lần này.

chungket phap croatia

Trước trận chung kết ngày 15/7, làng tôi chia làm 2 phe, một phe đoán đội Pháp sẽ vô địch, một phe cho là đội Croatia sẽ đoạt giải. Anh John to tiếng nhất trong việc đề cao đội Croatia. Lý do đề cao : Nào có nước nào mà vua lại say mê và cưng đội banh như bà vua Kolinda. Các cụ có thấy vua nào vừa trẻ đẹp hơ hớ, vừa say mê bóng đá từ nhỏ như bà vua Kolinda này không? Bà là vua mà đã không đòi được tiếp rước như vua, không ngồi ở hàng ghế danh dự dành cho các vua. Bà hoà mình với đội banh, mặc áo đỏ của đội banh, chụp hình với mọi cầu thủ và nhiều người. Nào có ai nghĩ được rằng một nuớc nhỏ xíu như Croatia với hơn 4 triệu dân và mới lập quốc sau đệ nhị thế chiến mà có đội banh oai hùng như thế này. Đáng nể quá !

Còn phe ủng hộ đội Pháp thì có cụ Chánh, ông ODP. Hai vị này cho rằng Pháp sẽ thắng là lẽ đương nhiên. Hai vị đã trọng tuổi nhưng vẫn còn say mê bóng đá có lẽ từ khi quả banh được người Pháp đem vào VN. Ông ODP cười hà hà : Ngày xưa bé tí, đội banh con nít trong xóm nhà nghèo chúng tôi đã dùng qủa bòng qủa bưởi làm trái banh. Lớn lên chút nữa thì lấy lá chuối cuộn lại làm trái banh. Suốt ngày nghỉ là đá banh. Lớn lên ra tỉnh học thì mới có trái banh bằng da, nhưng phải bơm hơi bên trong.

Cứ mỗi lần trái banh lọt lưới, ông H.O. lại cười há há rồi chỉ vào màn hình : Xem kìa, hãy xem cái cực sướng đang hiện ra trên mặt các cầu thủ, trên mặt đội vừa làm bàn, trên mặt khán giả cùng phe kìa. Cái sướng này còn lớn hơn cái sướng lúc nam nữ yêu nhau khi lên tới đỉnh.

Và giải vô địch 2018 đã về tay đội Pháp. Tuy đội banh Pháp thắng với tỷ số cách biệt 4/2, nhưng ai xem cũng phục tài của đội Croatia, đội của một nước tí hon đấu với một đội có gốc khổng lồ, hai bên nhiều phen ngang ngửa, gay cấn, đứng tim.

Giải World Cup sẽ trở lại Bắc Mỹ năm 2026, tại 3 nước lận. Tháng Sáu vừa qua, 200 thành viên FIFA đã bỏ phiếu chấp thuận 80 trận đấu sẽ được tổ chức như sau : 60 trận tại Hoa Kỳ, 10 trận tại Mexico, 10 trận tại Canada. Các cụ nhớ làm lịch coi giải túc cầu 2026 ngay từ bây giờ nha. Chắc chắn sẽ có ít nhất vài trận ở Toronto, thành phố to lớn và thân yêu này. Chỉ còn 8 năm nữa, vậy các cụ sẽ đi hay con cháu các cụ sẽ đi cơ ?

Trong bữa ăn tại nhà Cụ Chánh tiên chỉ, cô Huế Cao Xuân đã hỏi

ông ODP về nguồn gốc Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA. Ông ODP đúng là một bồ sách, ông nói ngay : Nó thành hình từ năm 1904, nhưng vì Đệ nhất thế chiến nên mãi đến năm 1921 nó mới ra đời. Người sáng lập là ông Jules Rimet (1873-1956) người Pháp. Ông Rimet là một luật sư danh tiếng ở Paris và cũng là một người Công Giáo sùng đạo. Ông rất mê thể thao. Ông hằng nghĩ rằng thể thao có thể đoàn kết mọi người trên thế giới, bất kể họ thuộc chủng tộc nào và tôn giáo nào. Do đó ông lập ra Hiệp Hội Bóng Đá Quốc Tế, Fédération Internationale de Football Association. Tên này đẻ ra cái tên viết tắt quen thuộc FIFA. Ông Rimet giữ chức chủ tịch FIFA từ 1921 đến 1956, lâu đời nhất. Ông đưọc trao tặng Giải Nobel Hoà Bình 1956 trước khi ông qua đời.

Nghe đến đây xong thì bà cụ B.95 lên tiếng : Hôm nay các bác toàn nói các chuyện nghiêm trang trên sân cỏ, chả có chuyện gì vui cười cả, làm sao tối nay tôi ngủ ngon được. Anh John ơi, anh cứu tôi với !

Anh John xưa nay vẫn là thần tượng của cụ B.95. Anh đã sẵn nhiều chuyện cười trong bụng nên xin kể ngay. Rằng cháu quen một ông mới về du lịch Việt Nam. Ông kể nhiều chuyện hay lắm. Rằng cái mà làm ông ta chú ý là ngôn ngữ VN ở Hà Nội bây giờ . Nó đang biến đổi. Nhiều tiếng lắm, xin kể 2 chữ điển hình. Thứ nhất là tiếng ‘đéo’. Xin lỗi phải nhắc đến tiếng chửi thề này. Nó hầu như đã thay thế tiếng ‘không’. Già trẻ lớn bé gì cũng đéo, ở trường học cũng đéo. Đéo có cái gì mà không đéo. Bạn tôi hỏi chị bán báo mua tờ Nhân Dân. Chị trả lời tỉnh bơ : Đéo có Nhân dân, chỉ có Hà Lội Mới thôi. Cụ nào sắp về VN , nhất là về Hà Lội đất ngàn năm văn vật ngày xưa, xin hãy chuẩn bị tinh thần và lỗ tai nha.

Tiếng thứ hai là tiếng ‘siêu’ thay cho tiếng ‘nhất hạng’. Xin trích một mẩu tin thời sự : ... Sau khi mua sắm ở Siêu thị, một nhóm siêu sao lên một siêu xe lao vào siêu xa lộ, chạy cực kỳ siêu tốc, tai nạn siêu khủng đã xảy ra : tất cả các siêu mẫu đã siêu thoát và siêu thăng...

Cụ B.95 nghe xong vẫn không hài lòng. Cụ bảo chả thấy tiếng cười ở chỗ nào. Cô Tôn nữ bèn mách cụ rằng anh John có nhiều chuyện cười lắm mà các chuyện của anh thường dính chùm với nhau, chuyện cười này kéo theo chuyện kia. Anh John thử kể một chuyện sinh ra hai ba chuyện coi. Anh John có sẵn trong bụng nên xin kể chuyện ‘bày biện’. Rằng nhà kia có đám giỗ. Cô con dâu là trưởng bếp. Bữa đó họ hàng đến rất đông. Gặp phải ngày trời nóng nực nên cô con dâu ăn mặc phong phanh hở hang. Có một bà bác thấy sự hở hang này ngứa mắt quá không chịu được nên mới nói với cô : Cháu ơi, sao bữa nay cháu bày biện ra nhiều thế. Bà bác là nhà giáo nên nói tiếng ‘bày biện’ thay cho tiếng hở hang. Cô cháu là người Miền Nam nên không hiểu cái ý sâu sắc của chữ nghĩa. Cô hiểu bày biện theo nghĩa đen nên cô đáp lại ngay : Thưa chả mấy khi được các bác các cô chú tới thăm đông như thế này nên cháu có bao nhiêu cháu xin bày biện ra hết để mời các bác các cô chú xơi. Tôi không biết bà bác nghe cô cháu dâu nói như vậy thì sẽ phản ứng ra sao. Cụ nào biết xin mách cho tôi nha.

Rôi từ chuyện này nó kéo sang chuyện khác cũng mang ý nghĩa bày biện. Rằng có một cặp tân hôn kia, vừa tiệc cưới xong là lên đường đi trăng mật ngay. Họ chọn một khách sạn nhỏ bé ở miền quê. Vì chú rể đã vất vả lo lễ cưới và tiệc cưới nên chú mệt phờ, vừa vào tới phòng khách sạn thì chú rể lăn đùng ra giường bất tỉnh. Cô dâu lay mấy cũng không thấy chú động đậy. Cô lo cuống cuồng vì không biết phải làm gì để cho chú hồi sinh. Nhưng rồi cô nghĩ ra việc đi cầu cứu. Cô liền sang gõ cửa phòng bên cạnh. Một bà lão già ra mở cửa. Sau khi nghe lời cầu cứu của cô, bà cụ già đáp ngay : Lão đây cũng đang gặp cơn nguy giống y như cô : ông già chồng lão cũng đang trợn mắt ngáp ngáp, chắc chết đến nơi. Cô dâu nghe xong lời này thì tuyệt vọng chạy về phòng. Trong cơn tuyệt vọng, cô liền nhớ những ngày chưa cưới. Tức thì cô cởi hết quần áo rồi banh mắt chú rể ra rồi nói : Anh ơi, trước khi cưới thì anh cứ đòi xem mà em không cho, nay thì em không tiếc gì anh nữa, anh hãy mở mắt mà xem cho kỹ này. Chú rể mở mắt, thấy cô dâu bày biện ra lồ lộ, bèn tỉnh hẳn rồi ngồi bật dậy, ôm chầm lấy cô dâu rồi hai người đã yêu nhau say đắm.

Hai giờ sau, lúc hai người còn mê man, thì có tiếng gõ cửa. Cô dâu vội mặc áo ra mở. Đó là bà cụ phòng bên . Bà hỏi tình trạng ông chồng của cô ra sao, cô bèn kể hết sự thực cho bà lão nghe. Bà lão gật gù rồi đi về phòng. Bà cũng bắt chước cô dâu, bà cởi hết quần áo và cũng banh mắt ông cụ ra. Ông cụ mở mắt và thấy bà cụ bày biện lõa lồ, liền hét lên một tiếng sợ hãi rồi lăn ra chết luôn.

Không chỉ bà cụ mà cả làng đã cười ầm ĩ. Anh John xin hết nhưng cả làng không cho nên anh xin kể một câu chuyện cuối cùng. Cũng chuyện xảy ra ở Việt Nam. Một cô giáo người Kinh lên miền Thượng dạy học. Được ít lâu thì cô giáo có bầu. Hội đồng làng đem việc này ra xét xử. Họ hỏi cô có bầu với ai. Cô đáp ngay : Với Anh Rong Pleime, hiệu trưởng. Hội đồng làng hỏi anh Pleime có nhận tội không, anh Pleime đáp ‘không’ rất to. Hội đồng làng hỏi : Tội anh rành rành ra đó, sao anh không nhận ? Anh Pleime đáp :

- Thưa Hội Đồng, giết người mới có tội, còn tôi không giết người mà tôi làm ra người, sao lại gọi là tội ?

Các cụ nghĩ sao về câu trả lời của anh Pleime này cơ ?