main billboard

Quán cơm bình dân của hai vợ chồng chú Tám lúc rày bán hơi chậm, 2 đứa chạy bàn xin nghỉ một lượt, (chắc là tụi nó chê giờ làm ít tiền tip). Bao nhiêu năm kinh doanh nhà hàng, chú Tám không còn lạ gì chuyện người giúp việc nay làm mai nghỉ. Sáng Chúa Nhật, chú còn đang nghiên cứu mấy trận football sắp chơi, đang tính toán hôm nay sẽ bắt đội nào, (chú có tật mê cá độ football mấy chục năm không bỏ được), bất chợt có một thanh niên trẻ vô xin việc làm. Chú hỏi nó:

– Trước đây cháu làm ở đâu? Cháu muốn làm trong bếp hay phía trước chạy bàn?

– Dạ chú cho cháu làm gì cũng được, nhưng hồi nào tới giờ cháu chưa từng làm qua nhà hàng. Thằng nhỏ trả lời.

Chú Tám nghĩ bụng, thằng này tướng tá cao ráo trắng trẻo chắc là hạng “công tử bột”, biết có làm nổi việc mà người ta nói là “làm dâu trăm họ” không đây, nhưng quán của chú đang cần người, cứ cho nó thử việc, thấy không xong thì cho nó nghỉ.

– Cháu tên gì?

– Dạ cháu tên Mai

Chú nhìn nó từ trên xuống dưới, “tướng tá điệu bộ như con gái tên Mai là phải rồi”.

– Dạ đúng tên là Mai Cồ, Mai là tên thường gọi.

Chú Tám hỏi nó có làm liền bây giờ được không, nó nói được, chú chỉ nó sơ sơ việc cần làm rồi chú ra xe đi công việc gấp.

Lúc trở về chú Tám có hơi ngạc nhiên khi thấy quán đông nghẹt không còn bàn trống, chú lẹ lẹ nhào vô phụ giúp thằng Mai Cồ đang lăng xăng dọn bàn. Chú Tám hôm nay rất vui, quán đông khách mà chú cá độ trận nào cũng thắng, từ sáng tới chiều.

Buổi tối lúc đi về chú hỏi vợ vậy chớ thằng mới vô có làm được việc không. Vợ chú nói con trai gì mà da trắng môi son đẹp còn hơn con gái

quan ong dia.

Bảo Huân

Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, vợ chồng chú Tám cùng 2 con nhỏ đến Mỹ theo diện “đoàn tụ gia đình”, do người anh trai của chú qua trước làm giấy tờ bảo lãnh. Từ Việt Nam chân ướt chân ráo đến vùng “thung lũng điện tử” nổi tiếng này, chú Tám chưa kịp lấy bằng lái xe đã xin được việc làm trong hãng điện tử, sau đó thì thím Tám đi phụ bếp nhà hàng, mặc dù trước đây ở Việt Nam thím là gái con nhà giàu, ngày tối chỉ lo học ít khi bước vô bếp.

Vậy mà cái nghiệp “ôm ông Táo” dính líu với thím từ hồi đó tới giờ không buông được.

Đi phụ bếp mấy năm thím Tám biết nấu đủ thứ món và thường nói nấu ăn dễ ợt chớ đâu có khó khăn gì. Hai vợ chồng chú Tám chịu khó “đi cày” ngày hai buổi từ sáng tới tối, một thời gian tích góp được chút vốn nhảy ra mở nhà hàng. Chú Tám có mộng làm giàu, chú nói chớ đi làm công hoài biết chừng nào mới có tiền mua nhà mua xe như người ta. Buổi sáng chú làm ở hãng điện tử, buổi trưa ra quán phụ việc cho tới khi quán đóng cửa. Khi 2 đứa con học xong ra đi làm chú mới thôi việc ở hãng, chỉ trông coi cái quán ăn này. Mà cũng làm vừa phải, chỉ cầu mong kiếm chút đỉnh “đủ ăn đủ chung” là được rồi.

Cũng như nhiều nhà hàng quán ăn của người Việt ở xứ Cờ Hoa này, quán ăn của chú bán đủ thứ món, từ ăn sáng như phở, mì, hủ tiếu đến ăn trưa như cơm phần, cơm gia đình, buổi chiều có thêm món nhậu lai rai. Khách đến ăn thường là khách quen là cư dân quanh vùng, quán thường đông buổi trưa bán lai rai đến 6 giờ chiều thì bắt đầu dọn dẹp chuẩn bị nghỉ là vừa.

Quán của chú cũng có bán phở, nhưng chỉ có một loại… “phở đặc biệt” mà thôi, gồm có thịt bò tái, nạm, bò viên và một cục gân béo béo giòn giòn, hành lá xắt nhuyễn rắc đầy tô phở. Bún bò Huế thì đặc biệt nấu theo kiểu mới (chú học trên Internet) có thêm miếng chả tôm và thịt bò tái. Bởi vì nấu theo kiểu mới nên lâu lâu cũng có người chê “bún bò Huế ở đây không phải là bún bò Huế”. Chú cười trừ, nói thầm trong bụng, ủa, tôi nấu sao thì nấu miễn ăn ngon thì thôi. Còn món phở “đặc biệt” của chú thỉnh thoảng cũng bị khách chê là phở không có mùi phở. Nói vậy còn dễ nghe, chớ ai đời như hôm trước có một ông ăn mặc chải chuốt bảnh bao lúc trả tiền chê phở ở quán này không “chuẩn vị phở”. (Chắc cha này từ Hà Nội mới qua, nghe cha nói mà tui muốn điếc con ráy, không biết cái mùi vị phở này ai quy định cho nó mà chuẩn với lại không chuẩn).

Menu quán ăn của chú dài 2 trang tính ra cũng cỡ trên 20 món, vậy mà đôi khi cũng có khách cầm thực đơn lựa hoài chưa chọn được món ăn, quay lại hỏi hầu bàn: «quán này có món gì ngon?», con Thuý nhe răng cười: «dạ ở đây món nào cũng ngon» (con nhỏ nói chuyện huề vốn, món nào cũng ngon hèn gì khách ngồi cả buổi cũng chưa biết ăn món gì), con Vân thì lúc nào cũng chỉ một câu mười lần như một: «dạ cháu thấy nhiều người hay ăn phở» (người nào không thích ăn phở chỉ có nước đi về). Gặp thằng Mai Cồ, chú coi nó trả lời ra sao, nó nói trời hôm nay lành lạnh, húp phở nóng thấy cũng đã … hay là thử làm một tô bún bò Huế cay nồng vừa ăn vừa hít hà. Chú thầm khen thằng này biết cách trả lời, hai vợ chồng bác sĩ Dũng ăn uống rất kỹ, chẳng mấy khi ăn thịt bò, vậy mà hôm trước bị nó dụ, hai ông bà gặm giò heo thấy phát thèm.

Đầu tháng 12 là dân Mỹ bắt đầu nhộn nhịp đón lễ «Giáng sinh» và mừng năm mới, và theo một truyền thống tốt đẹp ở xứ này, năm nào chú cũng có quà cho người làm. Năm nay chú định tặng thằng Mai Cồ một cái áo hàng hiệu, chú hỏi nó thích loại nào. Nó cười cười trả lời (mà không sợ chú giận): «cháu mặc khó lắm, sợ chú mua nhằm thứ cháu không thích, cháu không mặc». Chú hỏi lại nó: «vậy cháu thích thứ gì?». Thằng nhỏ trả lời một cách rất thành thật: «dạ cháu đang ước có một sợi dây chuyền vàng». Chú Tám bật cười thầm nghĩ bụng sao mày khôn quá vậy, vàng thì có giá mà lại dễ bán.

                                                                                 -oOo-

Quán ăn của chú có bảng hiệu đàng hoàng nhưng khách đến ăn thường gọi là “Quán Ông Địa”, bởi vì vừa bước vào là đụng ngay tượng “Ông Địa” rất to đặt ở lối vào. Vợ chồng chú làm cật lực mấy mươi năm mà vẫn chưa… giàu, vợ chú về Việt Nam nghe lời thầy thỉnh Ông Địa này về thờ.

Từ ngày có thằng Mai Cồ về làm, quán chú đông hẳn lên, thím Tám nói chắc là tuổi của nó hạp với tuổi của hai vợ chồng mình. Có tiền dư chút đỉnh, thím Tám không biết để đâu cho còn, bởi vì “có bao nhiêu ổng làm tiêu hết”. Thằng Mai Cồ bày đặt chỉ vẽ: “thím mua một vài miếng đất bên Việt Nam để đó, chú có muốn bán cũng hơi khó”, chú Tám nghe vậy cười thầm trong bụng, tới hồi tao muốn bán, để ở đâu tao cũng bán được.

Qua Mỹ mấy mươi năm, hai vợ chồng chú “đi cày” bấy nhiêu năm giờ thấy thấm mệt, chú muốn giao cái quán ăn này lại cho con nhưng không đứa nào chịu nhận, tụi nó nói làm nhà hàng cực quá mà không có ngày nghỉ. Khi mấy đứa cháu ngoại cháu nội tới tuổi đi học chú thím quyết định về hưu, thôi, nhiêu đó đủ rồi, giờ ở nhà giúp con đưa đón cháu đi học. Có dịp thì đi theo tụi nó du lịch chỗ này chỗ kia cho biết với người ta.

Việc sang quán diễn tiến êm xuôi thuận lợi, có người quen muốn sang lại cái nhà hàng cơm bình dân của chú, theo đuôi chú thím tiếp tục cuộc đời “ôm ông Táo làm dâu trăm họ”. Tất cả đồ dùng trong quán chú để lại cho chủ mới, duy có tượng ông Địa là họ không chịu nhận, chú đem ông về nhà, đặt ông ở sau vườn vui cùng chim muông cây trái.

Ông Địa vốn gốc gác ở núi Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng, theo vợ chồng chú Tám trôi nổi đến xứ Mỹ bán nhà hàng mấy chục năm nay, lúc trước mỗi sáng được chú Tám cho uống một ly cà phê sữa, lâu lâu được chú mồi cho một điếu thuốc lá (mặc dù chú đã bỏ thuốc lá từ ngày sang Mỹ), thím Tám thì không bao giờ quên «cúng ông Địa» khi thì miếng kẹo miếng bánh hay là trái cây đủ loại.

Từ ngày chú Tám về vườn, «ông Địa» cũng về vườn, ông ngồi cô quạnh một mình nơi góc sân vườn làm bạn cùng lũ chim trên cành hót líu lo suốt ngày, không còn thấy cảnh kẻ vô người ra ăn uống ì xèo nói chuyện râm ran, chú thím Tám cũng ít khi ra sau vườn hỏi thăm hay là mời ông ly cà phê điếu thuốc lá, nhưng «ông Địa» không buồn, lúc nào «ông Địa» cũng cười.

NN