main billboard

Ngôi nhà ấu thơ của tôi có nhiều khung cửa sổ rộng. Khung chấn song sắt hoa văn, cánh gỗ lá sách sơn lục nõn. Cửa luôn rộng mở, chỉ khép lại trước khi đi ngủ và những khi trời mưa. “Có đứa nào đi đóng mấy cánh cửa, không thôi mưa tạt”. Giọng Má tôi văng vẳng trong ký ức, mỗi khi tôi nhớ lại.

Thuở nhỏ, tôi ngủ chung với 2 người anh trong căn phòng rộng kê một bàn viết kiểu cổ, một bộ ván gỗ dầy cả tấc, Má thường bắt tôi đánh bóng bằng xơ dừa điếc, là chỗ ngủ của tôi và người anh lớn hơn tôi chỉ 1 tuổi, và một giường đơn lót nệm dành cho người anh thứ 3. Ngủ phải giăng mùng tránh muỗi. Phòng có khung cửa sổ, cũng chấn song sắt hoa văn, cũng 2 cánh lá sách sơn lục nõn, trông ra mảnh vườn con trước nhà, chỗ trồng cây ổi lão. Những đêm trăng mùa nắng, trời nóng, 2 cánh cửa sổ mở hoác. Giữa khuya, tôi-trẻ-thơ chợt thức giấc, hé mắt nhìn. Hương đêm thoang thoảng. Trăng soi bàng bạc tán lá, lùa qua cửa sổ, loang lở những bóng ảnh ma quái lên nóc mùng vải trắng. Như chiếc sọ người. Như những bàn tay lóng dài chực úp xuống. Cả người tôi cứng đờ. Tôi vội vàng nhắm chặt 2 mắt. Rồi thiếp đi trong giấc ngủ mê muội gần sáng.

Cuối thập niên 1960, chiến tranh lan rộng, Cha tôi về hưu, cảnh nhà không còn sung túc như trước, tôi vào tuổi dậy thì, trải chiếu ngủ một mình trong gian phòng nhỏ hơn với nhiều người trên ván, trên giường. Chỗ tôi nằm cạnh khung cửa sổ đan lưới ngăn muỗi, ngủ không mùng. Lại thức giấc giữa khuya. Nhưng tôi không còn thấy những ảo ảnh ấu thơ kỳ dị, thay vào đó là cảm giác gây gấy của da thịt thanh tân, trộn lẫn mùi rác không đậy kín nắp dựng cạnh cửa sổ từ sân sau len vào. Và đôi khi là tiếng mèo rượn tình réo đòi, đuổi nhau trên mái ngói.

Những khung cửa sổ nhiều lần khép đóng cùng những hình bóng, những âm thanh và những mùi hương ở quê nhà trở thành hoài niệm trong ký ức tôi, sau ngày tôi rời quê hương, du học. Những khung cửa sổ hẹp lại, lót kính, thường khép chặt, ngăn hơi lạnh thời tiết. Có lúc chỉ là một khoảnh vuông khoét trên mái ngói, trong căn phòng trọ học đầu tiên, nằm trên cùng trong một ngôi nhà 4 tầng. Phòng thiếu ánh sáng. Ngọn đèn trần trụi, soi tù mù. Tôi bỏ bê chuyện học, ôm ấp nỗi cô quạnh mênh mông, trắng toát như thể tình nhân. Tôi bầu bạn cùng những quyển tiểu thuyết đem theo từ Việt Nam. “Khu Rừng Hực Lửa”, “Kẻ Tà Đạo” của Nguyễn Xuân Hoàng. “Khung Rêu” của Nguyễn Thị Thụy Vũ. “Vòng Tay Học Trò“ của Nguyễn Thị Hoàng. “Con Sâu” của Dương Nghiễm Mậu … Và những đĩa nhạc ngoại 45 vòng, những băng cát-sét nhạc Việt Nam … “Rainy Days and Mondays” với The Carpenters, “Without You” với Nilsson, “San Francisco” với Scott McKenzie, “A Whiter Shade of Pale” với Procol Harum …

nhung khu cua so

Thắm Nguyễn

“Nhiều lúc chàng có cảm tưởng sờ mó được nỗi cô đơn. Nó ghê gớm, khủng khiếp đến độ khiến Vận thường xuyên thức giấc giữa khuya, hoảng hốt nhìn quanh phòng trọ im lìm bóng tối. Những giấc mộng ngắn, đồng dạng, chật chội như lòng ống cống, mà chàng không biết vì lẽ gì lại lạc chân vào, để rồi cuống cuồng chạy tìm lối ra. Vận đoán, có thể vì phòng trọ tù túng và tối tăm quá. Diện tích chừng 18 thước vuông, trần nghiêng một bên, khoét một khoảng trống lắp kính, chỉ có thể mở hé. Hôm nào thời tiết đẹp, nắng lọt vào một mảnh hình học, thoạt đầu méo mó rồi từ từ đều đặn, và biến dạng một cách khó hiểu lên mặt tường đối diện. Những sáng cuối tuần, hoặc những hôm lười biếng tới trường, Vận ngủ tới trưa trờ trưa trật, chỉ tỉnh giấc khi nghe hồi chuông giáo đường gần đấy gióng lễ rộn rã. Lại thấy bóng nắng in trên tường vôi, vẫn dị dạng một cách khó hiểu. Vận quyết tâm tìm cho ra lẽ. Lỗi ở nóc nhà đối diện. Kiễng chân nhìn sang, Vận thấy cái ống khói lò sưởi vô duyên chĩa ngang luồng nắng. Chàng đâm ghét cái ống khói. Đôi khi có con quạ đậu vẩn vơ trên đó. Chàng ghét lây con quạ.”

Nhà trọ nằm trong một đoạn đường ngắn, ít xe cộ lưu thông, bên này là nhà, bên kia là nhà giam thành phố có tường cao vây quanh. Thỉnh thoảng, những hôm thời tiết đẹp, đi học về, tôi thấy có người đàn bà đứng ngoài đường, nói chuyện như hét với bóng người thấp thoáng sau ô kính hẹp phòng giam. Những ô kính lắp song sắt bên ngoài. Cảnh đối thoại kẻ trong người ngoài bất giác khiến tôi xúc động. Để rồi, trong những khoảnh khắc trầm cảm cùng cực, tôi bật ra ý nghĩ thú vị, tôi cũng là tù nhân tự giam hãm trong chính tư tưởng mình.

“Phòng không có nhà tắm. Mỗi tuần hai lần, Vận tới phòng bạn trong cư xá sinh viên, tắm nhờ. Một bồn nước ở góc phòng, là chỗ Vận đánh răng rửa mặt, vo gạo lặt rau, giặt đồ lót và vớ. Cũng là chỗ cho Vận vạch quần tiểu tiện nửa đêm, vì phòng vệ sinh ở ngoài hành lang. Lạnh và trống. Nơi đó rộng một cách vô lý. Trơ trọi cái bệ sứ, một bóng đèn trần không chụp, điện năng thấp, vàng bệch, đôi khi cho Vận cảm tưởng chùi chưa đủ sạch. Sàn lót gỗ lâu cũ, rên xiết theo mỗi bước chân. Thêm điều lạ, không hiểu sao tiếng động trong đó có âm dội, khiến Vận lần nào cũng rón rén, sợ người phòng bên nghe được. Để lấn át, Vận tìm cách nghĩ ngợi quàng xiên. Có một cảnh tượng cứ bấu víu tâm trí Vận kể từ ngày sang đây: Cảnh những đoàn xe lửa lao vút trong đêm. Tiếng bánh sắt nghiến sầm sập từng chặp lên thiết lộ băng ngang vòm mắt ảo tưởng Vận. Chàng nhẩm đếm từng toa xe một. Dài như không muốn dứt. Sàn gỗ run bật. Ánh lửa kim loại loé chập chờn lên vách. Gió luồn qua ô cửa hẹp, buốt lạnh nỗi chia lìa lớn, hoang mang những trăn trở. Khi đoàn xe tan biến vào bóng đêm nơi góc phòng, Vận cúi mặt xem xét sàn gỗ, tìm những vết đau rớt lại”.()

Có thể nói, những năm tháng nơi thành phố ấy là khoảng thời gian lẻ loi, tăm tối nhất trong đời trọ học tha hương của tôi. Lẻ loi vì tôi không có bất kỳ người bạn tâm giao nào. Tăm tối vì tôi chưa soi hướng lối đi tâm tình mình.

Để rồi, sau biến cố 1975 và nửa thập niên bỏ học, tôi dọn về một thành phố khác, vươn vai làm lại từ đầu.

Xong cử nhân, tôi rời cư xá sinh viên, tìm phòng trọ ngoài. Lại một căn phòng nằm dưới mái ngói. Lại ô cửa sổ vuông, rộng, trông lên cảnh trời mây trên mái ngói. Nhưng lần này có tới 3 khung cửa, một trong phòng khách cũng là chỗ ngủ, một trong góc bếp và một trong phòng vệ sinh có bồn tắm, là nơi tôi, vào những cuối tuần nắng đẹp, vừa ngâm mình trong bồn nước ấm thơm thuốc tắm, vừa đọc báo. Tâm tư tôi an nhiên gần như tuyệt đối. Như thể nước đang nhẫn nại xóa sạch lớp lớp thời gian ám bụi trên thân thể tôi. Khoảnh khắc ấy, tôi tưởng như tâm tư mình bật tiếng từ chối hết thảy ngọt bùi và muộn phiền quá khứ. Tôi rỗng rang trong luồng nắng sáng lóa. Và, trong không gian lặng im tuyệt đối, bất chợt tôi cảm nhận ra, chỉ giây lát, ý nghĩa của đời sống.

Tại nơi trọ học này, tôi tiếp tục hành trình văn chương mình. Phòng chật, tài chánh chỉ vừa đủ cho chuyện ăn ở, tôi xin được 3 tấm nệm, bọc khăn, ghép lại vừa làm chỗ ngủ vừa nằm viết. Những truyện ngắn “Soi Vùng Ký Ức”, “Chợ Phiên Đầu Xuân”, “Mười Lăm Tháng Giêng”, “Đóng Lại Giùm Tôi Cánh Cửa Sau Cùng” … và truyện vừa “Đêm” được ra đời tại đây.

Sau 3 năm, tôi hoàn tất luận án tiến sĩ. Món nợ khoa bảng cũng như chữ hiếu đã được tôi trả xong, tôi khởi sự sống cho mình. Tuy muộn màng, nhưng tôi vẫn bắt đầu dấn thân vào lối rẽ của ngôn ngữ.

Nhân lúc có người dọn ra, tôi chuyển xuống phòng trọ khác ở tầng trệt. Lần này là một diện tích có lối đi riêng với phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp, phòng vệ sinh với bệ tắm vòi sen và một tiền sảnh nhỏ. Tôi chia tay những ô cửa khoét nghiêng trên mái ngói. Những khung cửa sổ đời sống tôi mở ra những mảng xanh trắng của mây và trời. Nơi đây, tôi đã hoàn tất truyện dài “Khung Cửa Nắng” và sau đó là những “Núi Đoạn Sông Lìa”, “Tausend Jahre im Augenblick” … Và làm thơ. Cũng tại nơi đây, tôi đã gặp gỡ và chia tay vài người bạn tâm tình. Và, mất mát lớn trong đời tôi là cái chết của một người bạn bản xứ vì chứng bệnh Multiple Sclerosis. Tro cốt bạn được tôi cho chôn tại một nghĩa trang gần nhà.

                                                                                     -oOo-

“Gấp sách, tắt đèn, tôi mở cửa sổ. Nhà trọ hai gian như hai hộp diêm kề cận nhau trong ngõ cụt. Cũng khung cửa ấy, những sáng mùa hè mở ra vườn nắng, nhác thấy con bồ câu trên đầu hồi mái nhà hàng xóm, cúc rúc rời rạc. Cứ vậy, lẻ loi, nhẫn nại nhiều sáng liên tiếp. Cho tới sáng nọ, sau một lúc cúc rúc, bất chợt nghe tiếng cánh xoạc. Một con bồ câu khác sà xuống, cách đoạn rụt rè một sải tay. Lấc ngấc dè dặt ngó nhau một chập, đoạn con trống đập cánh, liệng một vòng biểu dương tài mọn. Rồi đậu lại, gần hơn, vờ vĩnh ngó mông. Tưởng xong, ngờ đâu một con thứ ba, rồi thứ tư xúm lại, ngúc ngắc xum xoe. Không biết tính toan ra sao, đột ngột cả 4 vỗ cánh túa lên, mất dạng”. ()

Đoạn văn trên được tôi trích ra từ một bài viết tưởng niệm nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, giáo sư môn triết lớp đệ nhất của tôi tại trung học Petrus Ký thuở trước. Dần dà tôi nghiệm ra lý lẽ của văn chương. Tôi hờ hững với những tác phẩm của những nhà văn thuở trước tôi hằng mến mộ. Tôi thấy ra văn chương cũng biết điểm trang, đeo mặt nạ. Của họ. Và của cả chính tôi.

“Hương đêm tháng Tám lùa vào, se se dịu dàng. Ðêm ngoài chập chùng úp tay lên vườn cây. Không một hơi gió. Ngoài kia tịch mịch, rỗng rang. Nhưng trong tôi chật chội những ý tưởng, những hình bóng. Không dưng một câu hát lướt ngang trí: “Ðể lại cho ai. Buồn như giọt máu …”(). Ðam mê văn chương trong tôi như một thương tích, tưởng lành, không dưng loét đau, rỉ máu. Hồi tưởng nhiều thập niên dài. Ðọc và viết, chỉ mình tôi với chữ, thâu đêm. Chuyện văn chương, cũng như kiếp nhân sinh, phải chăng chỉ là những vui buồn phù du chất nặng chiếc thuyền bào ảnh, là một giấc huyễn mộng dài?”()

Đời người là chỗ trọ và những khung cửa sổ, không hẹp hòi với ai bao giờ. Đời sống mang đi một người bạn này, sẽ dâng tặng tôi một người bạn khác. Khung cửa này khép lại, sẽ có khung cửa khác mở ra.

NND (10.2023)